Tiếng ViệtTiếng Việt
ĐÓNG

Cảng Trung Quốc tắc nghẽn, thiếu container do làn sóng hàng hóa gấp rút hậu thỏa thuận thuế Mỹ – Trung

Tôn Duy 20/05/2025

Tình hình thương mại Mỹ – Trung tiếp tục gây ảnh hưởng sâu rộng, khi lượng hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ tăng đột biến sau quyết định tạm hoãn áp thuế 90 ngày đã khiến các cảng Trung Quốc đối mặt với tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng và thiếu container trầm trọng.

1. Mỹ – Trung hạ nhiệt căng thẳng thuế quan, nhu cầu vận chuyển tăng vọt

Ngay sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận tạm hoãn thuế quan trong vòng 90 ngày từ giữa tháng 5/2025, các doanh nghiệp xuất khẩu đã nhanh chóng tận dụng cơ hội để đẩy mạnh lượng hàng hóa ra thị trường Mỹ. Điều này khiến nhu cầu vận chuyển đường biển trên tuyến Trans-Pacific (châu Á – Mỹ) tăng mạnh, đặc biệt là tại các cảng lớn như Thượng Hải, Ninh Ba, Thanh Đảo, gây ra hiện tượng tắc nghẽn cảng, thiếu tàu và container rỗng.

Các hãng tàu cho biết thời gian chờ tại cảng Thanh Đảo và cảng Yangshan (Thượng Hải) có thể lên đến 72 giờ, trong khi cảng Ninh Ba ghi nhận mức chờ trung bình từ 24–36 giờ. Tình trạng này cũng lan sang các cảng lớn tại Hàn Quốc (Busan) và Singapore.

2. Tình trạng thiếu thiết bị và container rỗng ngày càng trầm trọng

Không chỉ tắc nghẽn cầu bến, các doanh nghiệp logistics cũng đang cảnh báo về thiếu hụt container rỗng, đặc biệt tại các cảng chính như Thượng Hải và Ninh Ba. Một số hãng tàu như CMA CGM, Maersk và HMM đã bắt đầu phân bổ container dựa trên mức giá cước và không gian còn trống, dẫn đến tình trạng thiếu cục bộ, làm gián đoạn kế hoạch giao hàng của nhiều doanh nghiệp.

3. Hệ lụy lan rộng khắp châu Á

Theo cập nhật từ Kuehne+Nagel, ngoài Trung Quốc, tắc nghẽn lan sang các cảng tại Việt Nam (TP.HCM), Thái Lan (Laem Chabang), Philippines (Manila) và Malaysia (Port Klang). Tại Malaysia, tỷ lệ sử dụng bãi chứa hàng (yard utilization) đã vượt 90%, làm gia tăng nguy cơ chậm trễ giao hàng trong toàn khu vực.

Tình trạng này khiến nhiều doanh nghiệp phải điều chuyển tàu từ tuyến Á – Âu sang tuyến Mỹ – Trung để đáp ứng nhu cầu, nhưng đồng thời tạo áp lực ngược lên các tuyến khác.

4. Mỹ – Trung: Cuộc chiến thuế quan chưa hạ màn

Mặc dù Mỹ và Trung Quốc đã có động thái “tạm ngưng chiến”, giới phân tích nhận định đây chỉ là giai đoạn tạm thời trong một cuộc đối đầu dài hạn về thương mại. Việc các doanh nghiệp đổ xô xuất hàng trước khi hết thời gian miễn thuế là biểu hiện rõ rệt của tâm lý “chạy đua trước bão”, gây áp lực nặng nề lên toàn bộ chuỗi cung ứng khu vực.