Tiếng ViệtTiếng Việt
ĐÓNG

Các hãng vận tải biển hàng đầu củng cố vị thế dài hạn dù đối mặt thách thức ngắn hạn

Tôn Duy 04/06/2025

Thị trường vận tải biển toàn cầu đang bước vào giai đoạn điều chỉnh mạnh khi dư cung trở thành vấn đề lớn trong 1–2 năm tới. Tuy nhiên, các hãng tàu lớn vẫn đang tận dụng tình hình để củng cố vị thế dài hạn, kiểm soát nguồn cung, và chủ động trong chiến lược giá.

Dư cung kéo dài và áp lực từ đội tàu mới

Sự tăng trưởng đội tàu, cả tàu đóng mới và mua lại tàu cũ được thúc đẩy bởi ba yếu tố chính: lượng tiền tích lũy từ giai đoạn cao điểm, yêu cầu quy mô để duy trì vị trí trong các liên minh, và chiến lược chuyển đổi sang nhiên liệu thay thế. Nếu thương mại toàn cầu không tăng trưởng vượt bậc, thì dư thừa công suất trong vận tải biển sẽ còn kéo dài.

Trường hợp tuyến Biển Đỏ được khai thông hoàn toàn, áp lực dư cung sẽ càng nghiêm trọng hơn.

Tái cấu trúc ngành sau cú sốc Hanjin

Từ sau khi Hanjin phá sản năm 2016, ngành vận tải biển đã bước vào giai đoạn tái cấu trúc sâu rộng, với xu hướng sáp nhập, mua lại và tăng trưởng nội tại của các hãng lớn. Tính đến năm 2025, 5 hãng vận tải biển lớn nhất đã kiểm soát 64,5% công suất toàn cầu, và top 10 chiếm tới 84,1%, theo Alphaliner.

Sự tập trung này giúp các hãng kiểm soát tốt hơn chiến lược giá và nguồn cung là yếu tố then chốt để duy trì lợi nhuận trong những giai đoạn thị trường suy giảm.

Kiểm soát nguồn cung: chiến lược sống còn

Việc rút bớt tuyến, điều chuyển tàu, và hoãn kế hoạch giao tàu mới là những biện pháp quen thuộc giúp các hãng vận tải biển điều tiết thị trường. Trong khi đó, các hãng lớn như MSC, CMA CGM và Cosco tiếp tục mở rộng hạm đội bằng cách mua lại tàu từ thị trường tàu thuê (non-operating fleet).

Việc này không chỉ giúp họ giảm phụ thuộc vào thị trường thuê tàu mà còn hạn chế khả năng các hãng nhỏ tiếp cận tàu giá rẻ, từ đó giảm cạnh tranh trong các phân khúc như tuyến ngắn và trung chuyển nội vùng.

Thị trường thuê tàu vẫn giữ nhịp cao

Mặc dù đã có sự sụt giảm lớn trong công suất đội tàu thuê hoạt động độc lập, giảm hơn 2,3 triệu TEU trong 5 năm nhưng thị trường thuê tàu (charter market) vẫn duy trì sự sôi động nhờ các yếu tố như khủng hoảng Biển Đỏ, tái cấu trúc các liên minh, và tình trạng thiếu tàu cục bộ.

Dù không thể đi ngược lại quy luật cung cầu, sự thiếu đàn hồi của nguồn cung thuê tàu hiện nay giúp các đơn vị sở hữu tàu độc lập có thêm quyền lực định giá, đặc biệt khi phần lớn đội tàu non-operating đã bị mua lại bởi các hãng lớn.

Tăng quyền kiểm soát, giảm cạnh tranh

Việc các hãng như MSC hay CMA CGM mua lại lượng lớn tàu cỡ nhỏ đã hạn chế khả năng thị trường thuê tàu cung cấp giá thấp cho các đối thủ hoặc tân binh mới gia nhập ngành. Đây vừa là chiến lược đầu tư tài sản giá rẻ, vừa là đòn bẩy dài hạn nhằm giữ thế chủ động trong vận tải biển khu vực.

Vị thế dẫn đầu được duy trì bằng kiểm soát và chiến lược dài hạn

Dù đối mặt với nhiều thách thức như dư cung, biến động thương mại toàn cầu, và áp lực giá cước, các hãng vận tải biển lớn vẫn đang chủ động điều tiết thị trường bằng cách nắm quyền kiểm soát nguồn cung, điều chỉnh cấu trúc đội tàu và duy trì vị thế dẫn đầu thông qua chiến lược dài hạn.